Chiến cuộc quần đảo Phillipines 1944-45 Chiến_tranh_Thái_Bình_Dương

Sau khi đánh chiếm thành công New Guineaquần đảo Mariana, trong lúc quan điểm của tướng Douglas MacArthur là tiến đánh và giải phóng Philippines, giới lãnh đạo lục quân và hải quân Hoa Kỳ lại cho rằng đổ bộ lên Đài Loan rồi tấn công Okinawa là con đường ngắn nhất tiến đến Nhật Bản.[149] MacArthur kiên quyết bảo vệ quan điểm của mình vì cho rằng nếu Mỹ bỏ rơi Philippines, "đó sẽ là một thất bại quan trọng về tâm lý và chính trị đối với Hoa Kỳ trong nhiều năm sau.[150]" và đến ngày 26 tháng 7, ông và đô đốc Nimitz được mời đến Hawaii gặp tổng thống Franklin D. Roosevelt.

Tại đây, sau khi MacArthur trình bày tỉ mỉ kế hoạch chiếm Philippines, cả đô đốc Nimitz cũng thừa nhận danh dự quốc gia cũng như yêu cầu chiến lược đòi hỏi phải giải phóng Philippines và kế hoạch đã được tổng thống Roosevelt phê chuẩn.[151] MacArthur sẽ lãnh đạo toàn bộ việc thực hiện kế hoạch phối hợp cùng lực lượng hải quân của đô đốc Nimitz.

Trong khi đó, Bộ tổng tham mưu Lục quân và Hải quân Hoàng gia Nhật Bản đã cho ra đời kế hoạch mang tên Sho-Go (Chiến thắng) thực chất là kế hoạch phòng thủ. Phần 1 của kế hoạch, gọi là Sho-1, là chiến dịch phòng thủ Philippines. Việc phòng thủ Philippines được giao cho tập đoàn quân số 14 Nhật Bản với quân số 450.000 người trong đó 250.000 quân đóng trên đảo Luzon và 200.000 quân đóng tại Leyte.[152] Tổng số máy bay trên các đảo ở Philippines là 600 chiếc.[153] Nguyên soái Terauchi đề nghị tập trung lực lượng đánh tan quân Mỹ vừa đổ bộ nhưng bị bác bỏ vì không biết quân Mỹ sẽ đổ bộ chính xác ở đâu nên khó điều động tập trung binh lực[154] và do đó Bộ tư lệnh tối cao chỉ thị cho Terauchi thực hiện kế hoạch phòng thủ chiều sâu. "Người hùng Mã Lai", trung tướng Tomoyuki Yamashita được điều đến Philippines làm tư lệnh thay tướng Shigenori Kuroda. Trung tướng Sosaku Suzuki được trao nhiệm vụ bảo vệ đảo Midanao và chiến trường phía nam Philippines bằng quân đoàn 35.

Hải chiến vịnh Leyte

Bốn hoạt động chính trong Trận chiến vịnh Leyte.
1: Trận chiến biển Sibuyan,
2: Trận chiến eo biển Surigao,
3: Trận chiến mũi Engaño,
4: Trận chiến ngoài khơi Samar.

Hải chiến vịnh Leyte, được xem là trận hải chiến lớn nhất của Chiến tranh thế giới thứ hai cũng như là một trong những trận hải chiến lớn nhất lịch sử.[155] Trận hải chiến này là một chuỗi 4 trận hải chiến nhỏ diễn ra quanh đảo Leyte từ ngày 23 đến ngày 26 tháng 10 năm 1944. Trận chiến này cũng ghi nhận lần đầu tiên mà máy bay Nhật thực hiện các cuộc tấn công tự sát kiểu Kamikaze.[156][157] Ngày 20 tháng 10, quân Mỹ đổ bộ lên Leyte. Bộ chỉ huy Mỹ đã sử dụng Đệ Tam hạm đội và Đệ Thất hạm đội gồm 25 hàng không mẫu hạm, 20 tuần dương hạm, 144 khu trục hạm yểm trợ cuộc đổ bộ.[158] Còn Nhật Bản huy động được 4 hàng không mẫu hạm, 9 thiết giáp hạm, 21 tuần dương hạm chia làm 3 lực lượng tác chiến tiến về Leyte. Theo kế hoạch của người Nhật, lực lượng phía bắc của đô đốc Jisaburo Ozawa tiến từ các căn cứ hải quân Nhật Bản sẽ làm lực lượng "chim mồi" nhử Đệ Tam hạm đội tiến về phía bắc, để cho lực lượng Trung tâm của đô đốc Takeo Kurita từ Singapore vượt qua eo biển San Bernardino tiến đến vịnh Leyte từ phía bắc tiêu diệt quân đổ bộ; trong khi lực lượng còn lại của chuẩn đô đốc Shoji Nishimura vượt qua eo biển Surigao (nằm giữa Midanao và Leyte) để vào vịnh Leyte từ phía nam.

Lực lượng trung tâm của Kurita bao gồm 4 thiết giáp hạm, 13 tuần dương hạm và 19 khu trục hạm trong đó có 2 thiết giáp hạm lớn nhất thế giới là YamatoMusashi nhưng lại không hề có máy bay yểm trợ. Sáng ngày 23 tháng 10, khi lực lượng này đến phía tây Palawan, đã bị tàu ngầm của Đệ thất hạm đội Hoa Kỳ phát hiện. 2 tàu ngầm DarterDace đã phóng ngư lôi đánh chìm 2 tuần dương hạm Nhật trong đó có chiếc Atagokì hạm của Kurita buộc ông phải phải chuyển soái kì qua thiết giáp hạm Yamato.

Vào khoảng 8 giờ sáng ngày 24 tháng 10, Lực lượng Trung tâm bị phát hiện trong khi đang di chuyển qua biển Sibuyan. Kurita điện về Manila xin không quân yểm trợ nhưng 180 máy bay tại đây đã bay đi tấn công Đệ Tam hạm đội ở vùng biển đông Philippines, đánh chìm được tàu sân bay nhẹ Princeton nhưng bị bắn rơi gần hết.[159] Kết quả là Lực lượng trung tâm của Kurita phải chịu 5 đợt tấn công của các máy bay Hoa Kỳ trong suốt hơn 5 tiếng đồng hồ mà không hề thấy bóng một máy bay Nhật nào cả. Kết quả là siêu thiết giáp hạm Musashi bị đánh chìm sau khu trúng 17 quả bom và 9 quả ngư lôi trúng đích,[160] Yamato cũng bị thương nhẹ. Tuy nhiên, lực lượng của Kurita đã vượt qua thành công eo biển San Bernardino trong đêm hôm đó.

Trong lúc Kurita vượt qua eo San Bernadino một cách khó khăn, phân hạm đội của phó đô đốc Nishimura gồm 2 thiết giáp hạm, 1 tuần dương hạm và 4 khu trục hạm gần như an toàn suốt chuyến đi và tiến vào eo biển Surigao. Tuy nhiên tại đây vào đêm ngày 24 tháng 10, lực lượng này đã giao tranh với lực lượng thuộc Đệ thất hạm đội Hoa Kỳ của chuẩn đô đốc Jesse Oldendorf, bao gồm 6 thiết giáp hạm, 8 tuần dương hạm, 29 khu trục hạm và 29 tàu phóng lôi. Trong số bảy chiến hạm của Nishimura, chỉ còn lại khu trục hạm Shigure sống sót; Nishimura cũng chết cùng kì hạm Yamashiro của mình.[161] Trong khi đó, một lực lượng khác của phó đô đốc Kiohyde Shima cũng tiến vào vịnh Leyte theo con đường phân hạm đội Nishimura đã đi, và đi sau 30 dặm. Khi chiến trận giữa Nishimua và hạm đội Mỹ vừa tàn thì Shima đến nơi. Nhìn thấy những thứ mà ông nghĩ là phần còn lại của cả hai chiếc thiết giáp hạm của Nishimura (đúng ra là hai nửa của chiếc Fusō), Shima ra lệnh rút lui vì không muốn chịu chung số phận.

Lực lượng phía bắc của Ozawa nhận được tín điện cầu cứu của Kurita đã xả hết tốc lực xuôi về Nam để hi sinh biến mình thành "mồi nhử" thu hút hạm đội Mỹ giúp cho lực lượng của Kurita vượt qua eo San Bernadino an toàn.[162] Ozawa có trong tay 4 hàng không mẫu hạm, 2 thiết giáp hạm được cải biến thành hàng không mẫu hạm, 3 tuần dương hạm, 9 khu trục hạm và vỏn vẹn 108 máy bay, còn Đệ tam Hạm đội có đến 9 hàng không mẫu hạm nặng, 8 hàng không mẫu hạm nhẹ, 6 thiết giáp hạm, 17 tuần dương hạm và 1.000 máy bay. Chỉ huy Đệ tam hạm đội, đô đốc William Halsey, Jr sau phi phát hiện ra lực lượng phía bắc đã cho rằng đây là mối đe dọa chủ yếu nên ông đã cho thành phần chủ yếu của hạm đội là Lực lượng đặc nhiệm 38 tiến về phía bắc. Hành động khiến cho Halsey bị nhiều chỉ trích sau này đã giúp lực lượng Kurita được "giải thoát". Nhưng không may cho phía Nhật, bức điện miêu tả kế hoạch "mồi nhử" của Ozawa đã không đến tay Kurita.

Vào thời điểm đó, phó đô đốc Kurita đã đưa đoàn tàu qua eo San Bernadino không gặp sự kháng cự nào trong đêm ngày 24 rạng ngày 25 vì đô đốc Hoa Kỳ Hasley đã tung toàn lực lượng của Đệ Tam hạm đội lên phía bắc để tấn công các tàu sân bay Nhật thuộc Lực lượng phía bắc của Ozawa đã bỏ trống eo biển San Bernardino. Kurita cho đoàn tàu di chuyển về phía nam dọc theo bờ biển phía đông đảo Samar, nơi lực lượng Hoa Kỳ phòng thủ là Đơn vị Đặc nhiệm tàu sân bay hộ tống của Đệ Thất hạm đội dưới tên các gọi Taffy 3 gồm 6 tàu sân bay hộ tống loại nhỏ và 7 khu trục hạm do chuẩn đô đốc Clifton Sprague chỉ huy. Trông thấy các tàu sân bay Mỹ, Kurita hạ lệnh tấn công. Sprague lệnh cho 3 khu trục hạm tấn công tàu Nhật để tàu sân bay bỏ chạy đồng thời máy bay từ các tàu sân bay của Sprague cũng lao vào tấn công. Tàu sân bay Gambier Bay bị đạn pháo bắn nổ buồng máy và chìm. Mỹ còn bị chìm thêm 2 khu trục hạm khác trong khi phía Nhật có 3 tuần dương hạm bị thương nặng vì máy bay Mỹ. Đoàn tàu sân bay Mỹ đã rút lui khỏi chiến trường và Kurita hạ lệnh bỏ các mục tiêu này tiến về phía đảo Leyte để tiêu diệt quân đổ bộ Mỹ. Đến khoảng 10 giờ 50 phút, Sprague phát hiện một tốp máy bay Nhật tiến về tàu sân bay của mình. Một chiếc Zero do trung úy Yukio Seki đã đâm vào tàu sân bay USS St. Lo làm nổ tung kho chứa bom, đánh chìm tàu sân bay này.[163] Đây được xem là cuộc tấn công chính thức đầu tiên của các Kamikaze (Thần phong) trong Chiến tranh Thái Bình Dương.

Gần trưa ngày 25 tháng 10, đoàn chiến hạm của Kurita tiến sát đến ngưỡng cửa vịnh Leyte. Ông bỗng nhận được tin một hạm đội tàu sân bay Mỹ đang ở cách vịnh Leyte 113 dặm về phía bắc.[164] Đồng thời, qua bức điện nhận được từ khu trục hạm Shigure còn sống sót của phân đội Nishimura, ông biết được lực lượng không quân và hải quân Hoa Kỳ ở đây rất mạnh, đủ khả năng tiêu diệt lực lượng của ông. Kurita còn đoán rằng đoàn tàu đổ bộ Mỹ đã chuyển hết quân trang, quân dụng lên bờ.[165] Sau khi cân nhắc, Kurita hạ lệnh rút lui, quay về phía bắc để tiêu diệt tàu sân bay Mỹ.

Quyết định của Kurita về sau được chứng minh là sai lầm lớn: Đệ tam hạm đội của Hasley đang bận truy đuổi Lực lượng phía bắc của Nhật nên không thể về cứu viện kịp; chủ lực Đệ thất hạm đội còn ở eo Surigao phía nam Leyte, không đề phòng một cuộc đột kích từ phía bắc và đoàn tàu đổ bộ tại vịnh Leyte còn chưa chuyển hết quân trang, quân dụng lên bờ.[165] Các chiến hạm của Kurita có thể lọt vào vịnh Leyte và tiêu diệt xong đoàn tàu đổ bộ Mĩ trong vịnh rồi mới phải quay ra đối phó với hạm đội thứ 7 Hoa Kỳ. Quân Nhật sẽ rất tiếc nuối khi biết rằng đoàn tàu đổ bộ Mĩ ở vịnh Leyte lúc bấy giờ vẫn chưa chuyển hết số vũ khí quân trang lên bờ. Trong số đó có 23 tàu đổ bộ LST chở xe tăng, 28 tàu vận tải cỡ 22.000 tấn chở các vỉ sắt lót đường băng và các vật liệu khác để lập sân bay dã chiến. Nếu số tàu này bị đánh chìm thì - như tướng Mac Arthur đã thừa nhận - đạo quân Mĩ đã đổ bộ sẽ "bị đặt vào tình thế nguy hiểm".

Tàu sân bay Nhật Zuikaku (bên trái ở giữa), và có thể là tàu sân bay Zuihō (góc trên bên phải) đang bị máy bay ném bom bổ nhào tấn công trong trận chiến ngoài khơi mũi Engaño.

Trở lại với lực lượng phía bắc của Ozawa, từ sáng ngày 25 tháng 10, ông đã phóng khoảng 75 máy bay tấn công Đệ Tam hạm đội. Đa số bị các máy bay Mỹ làm nhiệm vụ tuần tra chiến đấu trên không bắn rơi, không gây thiệt hại gì cho các tàu Mỹ. Vào lúc 8 giờ, đô đốc Hasley tung đợt tấn công đầu tiên gồm 180 máy bay. Ozawa đưa các chiến đấu cơ của mình lên ngăn chặn nhưng đều bị bắn rơi. Sau 4 đợt tấn công của máy bay Mỹ, Nhật Bản mất 3 hàng không mẫu hạm Zuikaku, ZuihoChiyoda. Chiếc hàng không mẫu hạm thứ tư, Chitose và một khu trục hạm bị vô hiệu hóa và chìm sau đó. Sự hi sinh này của Lực lượng phía bắc đã trở nên vô ích khi Kurita không hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt đoàn tàu đổ bộ Hoa Kỳ ở vịnh Leyte.[166] Sau khi Kurita rời vịnh Leyte, đoàn tàu của ông bị các máy bay từ các tàu sân bay hộ tống cỡ nhỏ của Sprague đánh bị thương 2 chiến hạm. Tiếp đó, là đợt tấn công của 147 máy bay thuộc phân đội tàu sân bay thứ tư của Hasley. Đến 6 giờ tối, khi không còn đủ nhiên liệu để truy lùng đoàn tàu sân bay chủ lực của Hasley, Kurita đành hạ lệnh thẳng tiến tới eo San Bernadino trở về căn cứ. Trên đường về, lực lượng của ông còn bị máy bay Mỹ truy kích đánh chìm 1 thiết giáp hạm và 2 tuần dương hạm.[167]

Kết thúc trận đánh tại vịnh Leyte, hải quân Nhật bị tổn thất nặng: 4 hàng không mẫu hạm, 3 thiết giáp hạm, 9 tuần dương hạm và 10 khu trục hạm bị đánh chìm, nhiều chiến hạm khác bị hư hỏng.[168] Còn hải quân Mỹ chỉ thiệt hại nhẹ: 1 hàng không mẫu hạm nhẹ, 2 hàng không mẫu hạm hộ tống và 3 khu trục hạm bị đánh chìm. Sau 4 ngày chiến đấu, hải quân Nhật mất 300.000 tấn trọng tải tàu, bằng 1/4 tổng khối lượng tàu Nhật chìm kể từ đầu chiến tranh. Tổn thất không thể bù đắp này khiến hải quân Nhật chỉ còn đóng vai trò thứ yếu trong giai đoạn còn lại của cuộc chiến.[167] Kèm theo đó, lục quân Nhật phòng thủ Philippines hết hi vọng ở sự trợ giúp của hải quân.

Trận Leyte

Bài chi tiết: Trận Leyte

Cuộc đổ bộ lên đảo Leyte bắt đầu vào 10 giờ sáng ngày 20 tháng 10 năm 1944. Sau 3 ngày, lực lượng đi đầu của Mỹ gồm 4 sư đoàn bộ binh trước sự kháng cự yếu ớt và thiếu tổ chức của quân Nhật[169] đã chiếm một dải đất dài 20 km, sâu 17 km và lập tức xây dựng ngay các sân bay dã chiến cho quân đoàn không quân số 5 từ đảo Morotai bay tới.[170] Tại Manila, tướng Yamashita nhận được lệnh từ Tổng hành dinh ở Tokyo là tập đoàn quân 14 phải đánh trận quyết định ở Leyte. Nhận thấy khó thực hiện được mệnh lệnh này, ông cố gắng thuyết phục nguyên soái Terauchi cho lui quân về Luzon nhưng bị từ chối.[171]

Ngày 25 tháng 10, khi trận hải chiến ở vùng biển Leyte còn đang quyết liệt, quân Mỹ đã đổ bộ lên đảo Samar phía đông bắc Leyte, cắt đứt tuyến giao thông liên lạc của quân Nhật từ đảo Leyte tới đảo Luzon là nơi đặt sở chỉ huy. Ngày 1 tháng 11, sư đoàn 1 Nhật đã được điều từ Manila xuôi xuống phía nam cứu viện cho Leyte. Khi sư đoàn này cập cảng Ormoc đã chạm trán sư đoàn bộ binh 24 Mỹ.[172] So với sư đoàn 1 Nhật, sư đoàn 24 Mỹ hơn hẳn về quân số, trang bị, pháo binh và xe tăng nhưng quân Nhật biết dựa vào công sự kiên cố và địa hình hiểm trở đã chống cự quyết liệt gây cho Mỹ nhiều thiệt hại.[173] Vì vậy bộ tư lệnh Mỹ đã điều thêm sư đoàn kị binh số 1 đến tăng viện cho sư đoàn 24. Phía Nhật cũng đưa thêm sư đoàn 26 vào tham chiến và hai bên cứ tiếp tục điều thêm quân đến Leyte cho đến lúc quân Mỹ chiếm được đảo ngày 22 tháng 12.

Thất bại ở Leyte đưa đến sự mất uy tín của thủ tướng Kuniaki Koiso khi trước đó ông đã tuyên bố là Nhật sẽ thắng ở đây.[174] Lục quân Nhật mất 1 quân đoàn tinh nhuệ. 3.500 lính và sĩ quan Hoa Kỳ và hơn 12.000 người khác bị thương trong khi chỉ có 5.000 lính Nhật sống sót trong số 70.000 quân ban đầu.[175]

Chiến sự ở Luzon

Lực lượng Mỹ huy động đánh chiếm Luzon có tập đoàn quân số 6 gồm 2 quân đoàn, mỗi quân đoàn có 5 sư đoàn bộ binh, 1 sư đoàn đổ bộ đường không và một sư đoàn tăng gồm 80 chiếc. Phía sau tập đoàn quân 6 còn có 4 sư đoàn bộ binh. Tổng cộng lực lượng đổ bộ của Mỹ có 250.000 quân[176] đối đầu với 120.000 quân phòng thủ thuộc tập đoàn quân 14 Nhật.[177]

Vào ngày 15 tháng 12, quân Mỹ đã đổ bộ lên đảo Mindoro, phía nam đảo Luzon. Chỉ có khoảng 1.000 quân Nhật tại đây nhưng quân Mỹ cũng phải mất hơn 3 tuần giao tranh mới chiếm được đảo và thiết lập tại đây một sân bay.[175] Ngày 9 tháng 1 năm 1945, Tập đoàn quân số 6 Hoa Kỳ do tướng Walter Krueger chỉ huy đổ bộ lên bờ vịnh Lingayen, đúng nơi người Nhật đổ bộ 3 năm về trước.[178] Quân Nhật buộc phải rút lui về phòng thủ BataanCorregidor.

Ngày 11 tháng 1, quân Mỹ bắt đầu hành quân về hướng nam tiến đến Manila. Mặc cho những bước tiến khả quan ban đầu, các cuộc đụng độ tiếp theo ở Manila diễn ra ác liệt. Ngày 25 tháng 2, lực lượng đi đầu của Mỹ tiến vào Manila đã bị bom đạn tàn phá hầu như hủy diệt.[179] Phải đến ngày 3 tháng 3, quân Mỹ mới quét sạch tất cả quân Nhật trong thành phố. Khi vòng vây đối với thành phố Manila ngày càng khép chặt, bán đảo Bataan nhanh chóng bị quân Mỹ chiếm giữ. Còn tại Corregidor, chiến cuộc đã diễn ra trong 11 ngày đêm và đến ngày 17 tháng 2, quân Mỹ chiếm được nơi đây khi chỉ còn vỏn vẹn 20 quân Nhật sống sót.[180]

Cùng lúc đó, hải quân Hoa Kỳ dù gặp nhiều thiệt hại từ các cuộc tấn công Kamikaze nhưng vẫn đủ sức yểm trợ cho lực lượng trên bờ và ngăn chặn hải quân Nhật tiếp viện cho chiến trường Philippines.[178] Ngày 12 tháng 1, hạm đội tàu sân bay của đô đốc Halsey đã cho máy bay đi oanh tạc sân bay Tân Sơn NhấtSài Gòn cùng các căn cứ thủy phi cơ Nhật tại Cát LáiQuy Nhơn. Tiếp đó trong hai ngày 13 và 14 tháng 1, đến lượt Hồng Kông, Áo Môn, Sa ĐầuĐài Loan bị oanh tạc.[181]

Phần còn lại của Philippines chỉ được giải phóng vào tháng 7 năm 1945 sau các cuộc hành quân phối hợp thủy bộ và không vận.[182] Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nhóm nhỏ quân Nhật lẩn quất trong rừng rậm không chịu ra hàng.[179] Kết thúc chiến dịch Philippines, ước tính 250.000 quân Nhật đã chết[183] trong khi tổn thất của Mỹ cũng lên đến 60.000 người, chưa kể du kích quân Philippines.[184] Chiến cuộc tại Philippines là một đòn nặng nề cho cả hải quân lẫn lục quân Nhật. Tuy nhiên, tốc độ tiến quân của quân Mỹ vẫn rất chậm so với khi lục quân Nhật đánh chiếm Philippines năm 1942.[185]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_tranh_Thái_Bình_Dương http://ajrp.awm.gov.au/AJRP/AJRP2.nsf/437f72f8ac2c... http://wwii.ca/index.php?page=Page&action=showpage... http://www.china.org.cn/english/features/celebrati... http://www.avalanchepress.com/MexicanAirForce.php http://forum.axishistory.com/viewtopic.php?f=65&t=... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/137119/B... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/247568/B... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/310634/k... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/381684/B... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/456391/B...